Tia cực tím ở mức nguy hại: Da tiếp xúc nắng bao lâu thì dễ bị bỏng?

18, Tháng 5, 2023 |

ADMINISTRATOR

Views Count 351
Comments Count

Người đàn ông, 50 tuổi, ở TP. HCM làm nghề tài xế xe ôm, sau 2 tiếng chạy xe dưới trời nắng không đeo bao tay thì cảm thấy bỏng rát, phồng rộp mu bàn tay.

 

Gia tăng số người bệnh bị bỏng nắng, cháy nắng

 

Người đàn ông trên cho biết, ban đầu thấy bỏng rát nhưng sau đó ngứa nhiều, khó chịu nên gãi. Sau hai ngày thì rộp da, nhiễm trùng, rách da, tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên đến gặp bác sĩ da liễu để khám.

 

Tương tự, chị T 40 tuổi, lái xe về quê, tiếp xúc với ánh nắng trong 2 giờ đồng hồ thì vùng da mặt và trước ngực bị bỏng nắng với nhiều đốm đỏ rát.

 

Đây là 2 trong số hàng trăm ca bệnh về da đến khám tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong giai đoạn cao điểm nắng nóng hiện nay.

 

Theo thạc sĩ - bác sĩ Tạ Quốc Hưng, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại thời điểm nắng nóng gay gắt tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó. Trong đó tập trung ở các bệnh như viêm da kích ứng, bỏng nắng, viêm da do ánh sáng,...

 

"Những người làm việc thường xuyên dưới ánh nắng mặt trời như tài xế, thợ xây dựng, thợ điện, những người có bệnh lý tự miễn như lupus, người có làn da nhạy cảm với ánh sáng... là nhóm dễ bị tổn thương da do tác động của tia UV từ ánh nắng mặt trời", bác sĩ Hưng chia sẻ.

 

Tia cực tím ở mức nguy hại: Da tiếp xúc nắng bao lâu thì dễ bị bỏng?

Mu bàn tay của tài xế bị bỏng rát khi lái xe dưới trời nắng

 

Tiếp xúc nắng bao lâu thì có thể gây bỏng da

 

Bác sĩ Tạ Quốc Hưng chia sẻ, tia UV hay còn gọi là tia cực tím, là tia tử ngoại không có màu. Tia UV chia làm 3 loại: UVA, UVB và UVC. Trong đó UVA có thể xuyên qua mây mù, gây lão hóa da. Tia UVB xuyên một phần qua tầng ozone gây bỏng da. Còn tia UVC gây ung thư da nhưng may mắn tia đã được tầng ozone hấp thụ.

 

Chỉ số tia UV là phép đo theo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của tia cực tím từ mặt trời, được tính từ 1 đến 11+. Tùy theo mức độ tiếp xúc càng lâu và cường độ tia UV càng cao sẽ gây những thương tổn càng nhiều trên da.

 

Trong đó, mức 1-2 là mức thấp, lành tính, không gây hại cho da nếu tiếp xúc dưới 60 phút. Ở ngưỡng UV từ 3-4, cường độ tia cực tím đã tăng nhiều hơn. Việc tiếp xúc da trực tiếp dưới nắng liên tục trong 40 phút sẽ có thể gây bỏng da, cháy nắng.

 

Tương tự, khi chỉ số UV ở mức 5-6, khoảng thời gian ở ngoài trời nắng không che chắn có thể gây bỏng nhiệt là 30 phút. Nếu đứng dưới nắng liên tục trong khoảng 6 giờ đồng hồ, sẽ dẫn đến hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện quầng sáng trong mắt gây ảo giác, ngất.

 

Ở mức chỉ số UV từ 7-8, thời gian gây bỏng da khi tiếp xúc nắng nóng là 30 phút. Và khi chỉ số UV ở mức 9-11 thì thời gian tiếp xúc nắng gây bỏng da giảm còn 10 phút.

 

Cảnh giác khi trời râm mát

 

Theo bác sĩ Hưng, có một số ngày trời râm mát, tuy nhiên lúc này chỉ số tia UV vẫn cao. Nhiều người dân chủ quan ra đường không che chắn, hay không bôi kem chống nắng..., đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh lý về da.

 

Tia cực tím ở mức nguy hại: Da tiếp xúc nắng bao lâu thì dễ bị bỏng?

Một bệnh nhân bị bỏng da do đi dưới nắng nóng trong thời gian dài

 

Nên chọn vải cotton dày để che chắn da, đội nón rộng vành trên 3 cm

 

Bác sĩ-CKII Lê Vi Anh, khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận định tia UV có thể gây hại cho da bất cứ thời điểm nào trong ngày. Trong đó, cường độ tia UV cao nhất sẽ rơi vào khoảng 10 giờ - 16 giờ.

 

Người dân cần hạn chế ra đường, khi ra ngoài cần mặc áo khoác dài tay, chất liệu cotton dày đủ để che chắn, tránh ánh nắng xuyên qua. Trang phục có màu sẫm sẽ giúp bảo vệ tốt hơn màu sáng.

 

Đội nón rộng vành trên 3 cm để đảm bảo độ che phủ trên gương mặt và cổ, ngực. Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30-50. Theo nghiên cứu kem chống nắng có chỉ số 30 giúp bảo vệ da khoảng 97% dưới tác động của tia UV, kem có chỉ số 50 sẽ bảo vệ 98% và kem chỉ số 80 bảo vệ 99%. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng kem có chỉ số chống nắng quá cao vì có thể gây kích ứng da.

 

Tia cực tím ở mức nguy hại: Da tiếp xúc nắng bao lâu thì dễ bị bỏng?

Người dân nên mặc áo, quần dài tay tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng.

 

Cũng theo bác sĩ Vi Anh, trong điều kiện bình thường nên thoa kem chống nắng 2 giờ một lần, thoa cách 20-30 phút trước khi ra ngoài. Khi đi bơi hay ở những điều kiện dễ đổ mồ hôi nên thoa cách 1 giờ đồng hồ. 

 

Ngoài ra có thể bổ sung viên uống chống nắng. Với thành phần chính là chất chống oxy hóa, viên uống chống nắng giúp kéo dài thời gian tiếp xúc có thể gây hại cho da, ví dụ là 30 phút thay vì 15 phút.

 

Bên cạnh đó, nên uống nhiều nước, sử dụng nhiều thực phẩm có màu đỏ như cà chua, dưa hấu chứa nhiều vitamin A, C, E... giúp tăng hiệu quả chống nắng.

 

Theo báo thanhnien.

Bình luận

TIN LIÊN QUAN

Bệnh Bạch Hầu: Tất cả những gì bạn cần biết về căn bệnh này

9, Tháng 7, 2024 |

Admin

Bệnh Bạch Hầu: Tất cả những gì bạn cần biết về căn bệnh này

Bệnh bạch hầu là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng với sự chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhiều bệnh nhân đã có thể sống lâu hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Việc tăng cường kiến thức và nhận thức về bệnh bạch hầu là cách hiệu quả nhất để chống lại căn bệnh này.
Views Count 265
Comments Count
Đọc thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đối tác y khoa Diamond