Bé Tường San (Hà Nội) 7 tuổi, nặng 35 kg, cao 136 cm đến khám dinh dưỡng tại Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome. Thấy bé tăng chiều cao và cân nặng nhanh so với bạn bè cùng trang lứa nên gia đình cho đi khám phòng ngừa cơ thể có sự bất thường khi tăng trưởng.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết kết quả khám lâm sàng cho thấy bé có dấu hiệu ngực to, có chồi vú, chưa có kinh nguyệt, dự đoán đã dậy thì ở giai đoạn 2. Tường San được làm một số chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu để đánh giá toàn diện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe. Trong đó, kết quả chụp X quang xác định tuổi xương cho thấy xương của bé đang đương đương với một trẻ 11 tuổi. Hormone estrogen, FSH, LH của bé cũng cao hơn mức bình thường.
"Chiều cao của bé hiện vượt 12 cm so với trẻ cùng tuổi. Sự tăng trưởng sớm này có thể gây ngộ nhận ở nhiều phụ huynh, tưởng con đang phát triển tốt. Tuy nhiên, dậy thì sớm khiến xương trẻ dài ra sớm và sẽ nhanh chóng đóng lại, các đầu xương bị cốt hóa sớm khiến trẻ không thể cao hơn", bác sĩ Trà Phương cho biết.
Chị Cẩm Tú (mẹ bé) kể lại, cách đây khoảng 12 tháng, con gái cao 129 cm ( tăng 7-8 cm/năm). Cân nặng từ 4-6 tuổi, tăng 5-7 kg/năm. Bố mẹ không có ai dậy thì sớm. Gia đình chỉ nghĩ bé phát triển trội hơn bạn bè bằng tuổi.
Để làm chậm quá trình dậy thì, Tường San thực hiện giảm cân an toàn hoặc giữ cân nặng không tăng trong thời gian tiếp theo. Mặc dù bé tăng trưởng sớm do dậy thì nhưng kết quả xét nghiệm vi chất bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC cho thấy bé bị thiếu vitamin D, sắt, kẽm. Về lâu dài sức khỏe sẽ ảnh hưởng, do đó bé cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đồng thời, Tường San được phối hợp can thiệp hormone, một tháng tiêm một lần để ức chế quá trình dậy thì, giúp cải thiện chiều cao trưởng thành.
Hiện tại, sau tiêm can thiệp nội tiết 8 mũi và duy trì chế độ ăn khoa học, chiều cao của San về mức bình thường, tăng 0,5 cm trong một tháng. Đây là tốc độ tăng chiều cao sinh lý phù hợp với tuổi. Kết quả chụp X-quang đo tuổi xương của bé tương đương một trẻ 8 tuổi.
Bác sĩ Trà Phương cho biết thêm, trường hợp của bé Tường San can thiệp kịp thời khi bé 7,5 tuổi. Chỉ cần muộn hơn 6 tháng, khi bé đã tròn 8 tuổi, thì việc can thiệp có thể không thực hiện hoặc hiệu quả không cao. Phát hiện trẻ dậy thì sớm càng sớm thì kết quả can thiệp càng tốt. Khi đó, trẻ được hỗ trợ phát triển thể chất phù hợp độ tuổi, cải thiện chiều cao khi trưởng thành và phát triển tâm lý dậy thì đúng độ tuổi.
Trẻ dậy thì sớm về tầm vóc sẽ thiệt thòi, chiều cao trưởng thành thấp. Với bé gái, dấu hiệu báo hiệu tình trạng này là phát triển tuyến vú, lông sinh dục, tăng tốc chiều cao vượt trội so tốc độ sinh lý trước 8 tuổi. Với trẻ trai, tình trạng phát triển sinh dục phụ diễn ra trước 9 tuổi. Bé tăng thể tích tinh hoàn, kích thước dương vật, lông vùng sinh dục, tăng chiều cao vượt tốc độ sinh lý.
Để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ thì phụ huynh cần xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống đủ chất, khoa học. Bố mẹ nên chuẩn bị thực đơn dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng các nhóm chất giúp trẻ phát triển một cách tự nhiên. Phụ huynh lựa chọn thực phẩm, ưu tiên nguồn thức ăn tươi mới, không chứa chất biến đổi gene, hạn chế đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh.
Theo báo vnexpress.