Dấu hiệu trên da cảnh báo ung thư máu, cần đi khám sớm!

23, Tháng 5, 2023 |

ADMINISTRATOR

Views Count 486
Comments Count

Nếu bạn nhận thấy mình dễ xuất hiện vết bầm tím hoặc bầm mà không đau (do không bị chấn thương), thì đây có thể là dấu hiệu của giảm tiểu cầu do bệnh bạch cầu - một dạng ung thư máu.

 

Biết cách nhận biết vết bầm tím do bệnh bạch cầu và các triệu chứng phổ biến khác có thể rất quan trọng để phát hiện sớm bệnh. Bầm tím là một trong một số dấu hiệu chính phổ biến đối với hầu hết các loại bệnh bạch cầu.

 

Dấu hiệu trên da cảnh báo ung thư máu, cần đi khám sớm!

Bầm tím là một trong một số dấu hiệu chính phổ biến đối với hầu hết các loại bệnh bạch cầu

 

Cho dù bệnh bạch cầu là cấp tính (xuất hiện đột ngột với các triệu chứng dữ dội) hoặc mạn tính (mức độ nghiêm trọng tăng dần theo thời gian), thì đều có thể xuất hiện dấu hiệu này.

 

Ngoài vết bầm tím, các triệu chứng điển hình bao gồm khó thở, nhiễm trùng thường xuyên, đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, đau xương, sụt cân và nổi hạch.

 

Tại sao ung thư máu lại gây ra vết bầm tím?


Tiến sĩ Tara Graff, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm điều trị ung thư Des Moines (Mỹ), giải thích: Bầm tím do bệnh bạch cầu có liên quan trực tiếp đến số lượng tiểu cầu. Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu có thể dễ bị bầm tím vì số lượng tiểu cầu thấp. Đây là những tế bào giúp đông máu khi chảy máu, và khi ở mức thấp, có thể gây chảy máu dưới da - đó là vết bầm tím.

 

Số lượng tiểu cầu thấp là do sự gia tăng các tế bào ung thư bạch cầu, "lấn át" các tiểu cầu. Tiến sĩ Graff cho biết: Khi các tế bào ung thư bạch cầu phát triển trong tủy xương, chúng sẽ khiến các tế bào tiểu cầu ở mức thấp.

 

Cách nhận biết vết bầm tím là bệnh bạch cầu

 

Các vết bầm tím do bệnh bạch cầu có một số đặc điểm khác biệt so với các vết bầm bình thường bao gồm:

 

Vị trí: Vết bầm tím có thể xuất hiện ở những nơi thường không bị bầm tím, như lưng, ngực hoặc mặt.

 

Số lượng: Người bệnh có thể xuất hiện nhiều vết bầm tím cùng lúc, phát sinh mà không có lý do rõ ràng.

 

Thời gian: Các vết bầm tím kéo dài hơn 2 tuần mới khỏi là một nguyên nhân đáng lo ngại.

 

Kích thước: Tiến sĩ Graff cho biết, đây có thể là "những chấm đỏ rất nhỏ, giống như đầu nhọn được gọi là đốm xuất huyết, hoặc có thể lớn và có màu tím".

 

Dấu hiệu trên da cảnh báo ung thư máu, cần đi khám sớm!

Người bệnh có thể xuất hiện nhiều vết bầm tím cùng lúc, phát sinh mà không có lý do rõ ràng

 

Chảy máu quá nhiều: Số lượng tiểu cầu giảm nghiêm trọng có thể gây chảy máu. Vì bầm tím là một dấu hiệu bên ngoài của chảy máu trong do lượng tiểu cầu thấp, nên cần phải chú ý đến các triệu chứng khác như chảy máu cam thường xuyên, chảy máu nướu răng, chảy máu trực tràng, và mất máu nặng hơn bình thường do chấn thương hoặc trong kỳ kinh có thể là dấu hiệu của bệnh.

 

Cách nhận biết phát ban là bệnh bạch cầu

 

Bệnh bạch cầu có thể biểu hiện giống như phát ban. Có một dạng bạch cầu, trong đó các tế bào ung thư bạch cầu gây ra các tổn thương da dưới dạng sẩn, nốt sần hoặc mảng. 

 

Những tổn thương này có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở chân và thường là những mảng phồng rộp và loét, chuyển sang màu đỏ, vàng, tím hoặc xám.

 

Nếu cảm thấy lo lắng về bất kỳ sự bất thường nào trên da, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuy những dấu hiệu trên da này có thể do nhiều nguyên nhân khác, nhưng tốt nhất nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân.

 

Theo báo thanhnien.

Bình luận

TIN LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đối tác y khoa Diamond