Chưa đến 30 tuổi đã suy buồng trứng

22, Tháng 6, 2023 |

ADMINISTRATOR

Views Count 466
Comments Count

Tại Bệnh viện Bưu Điện, bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và phát hiện bị suy buồng trứng ngày càng nhiều. Một số người sau 1-2 năm đã mãn kinh, trường hợp may mắn kéo dài được vài năm.

 

Chưa đến 30 tuổi đã suy buồng trứng

Trong số bệnh nhân trước 35 tuổi đi khám vì vô sinh, hiếm muộn, 20% có nguyên nhân là từ suy giảm dự trữ buồng trứng sớm.

 

Thông thường, phụ nữ sau 40 tuổi mới bước vào thời kỳ mãn kinh, suy buồng trứng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều phụ nữ chưa đến 30 tuổi đã suy buồng trứng sớm.

 

Nhiều người trẻ mãn kinh sớm

 

M.H. (27 tuổi, Hà Nội) bàng hoàng khi nghe bác sĩ chẩn đoán bị suy giảm buồng trứng. Hai buồng trứng của H. đã "teo" gần hết.

 

H. cho hay kỳ kinh nguyệt của cô cũng không đều, thậm chí 3-4 tháng mới có một lần nên thấy lo lắng và quyết định đi khám.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội, cho biết các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhân đều cho thấy tình trạng suy buồng trứng sớm rõ rệt.

 

Nữ bệnh nhân được tư vấn nếu đang có đối tượng kết hôn nên lập gia đình sớm để có thể mang thai tự nhiên hoặc can thiệp kịp thời. Trường hợp chưa có bạn trai hay dự định kết hôn trong vài năm tới, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên trữ đông trứng để tránh không còn trứng trong tương lai.

 

Theo bác sĩ Trịnh Văn Du, trường hợp như bệnh nhân H. không hiếm, rất thường gặp tại đơn vị này. Trong số bệnh nhân trước 35 tuổi đi khám vì vô sinh, hiếm muộn, 20% có nguyên nhân là từ suy giảm dự trữ buồng trứng sớm. Thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ mắc bệnh lý này có xu hướng tăng lên. Một số người sau 1-2 năm đã mãn kinh, trường hợp may mắn kéo dài được vài năm.

 

"Nhiều bệnh nhân trẻ suy sụp, òa khóc trước mặt bác sĩ sau khi nghe kết quả chẩn đoán. Họ không tin bản thân còn trẻ nhưng đã 'mãn kinh' sớm, dần mất đi cơ hội làm mẹ. Có trường hợp nghi ngờ kết quả, đi khám lại ở 2-3 bệnh viện khác sau đó lại quay trở lại để điều trị", bác sĩ Du nói.

 

Nguyên nhân suy giảm buồng trứng sớm

 

Theo bác sĩ Du, mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trong đời sống của người phụ nữ, đánh dấu sự biến mất vĩnh viễn của kinh nguyệt, phản ánh sự suy giảm chức năng dự trữ buồng trứng. Dần dần, buồng trứng ngưng hoạt động, sản xuất nội tiết tố, dẫn đến không có kinh nguyệt và không còn khả năng sinh sản. Mỗi người phụ nữ sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh khác nhau, trung bình rơi vào độ tuổi khoảng 50-55 tuổi.

 

Tuy nhiên, hiện phụ nữ thường gặp trường hợp mãn kinh sớm dù chưa bước sang độ tuổi 40, thậm chí trước tuổi 35.

 

Chưa đến 30 tuổi đã suy buồng trứng

Khi bị suy giảm buồng trứng, một số người sau 1-2 năm đã mãn kinh, trường hợp may mắn kéo dài được vài năm.

 

Ngoài việc gây vô sinh, hiếm muộn, suy buồng trứng sớm còn ảnh hưởng xấu về sức khỏe, bao gồm các triệu chứng như khó chịu, giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương, tiến triển sớm của bệnh tim mạch, tác động tâm lý (trầm cảm, lo lắng, suy giảm nhận thức sớm) và hội chứng khô mắt.

 

Theo bác sĩ Trịnh Văn Du, nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm có thể từ:

 

  • Di truyền: Nếu mẹ từng trải qua mãn kinh sớm, bạn có nguy cơ gặp điều tương tự và biểu hiện đầu tiên là suy buồng trứng sớm.
  • Khiếm khuyết về nhiễm sắc thể: Nữ giới mắc hội chứng Turner (đơn nhiễm sắc thể X) thường có buồng trứng bị rối loạn chức năng. Điều này thường gây ra hiện tượng suy buồng trứng sớm - mãn kinh từ rất sớm.

 

  • Bệnh tự miễn: Đây là khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn một phần trong cơ thể là kẻ xâm lấn và bắt đầu tấn công bộ phận này. Sự viêm gây ra bởi các bệnh này có thể ảnh hưởng hoạt động của buồng trứng, làm buồng trứng ngừng hoạt động và gây ra hậu quả suy buồng trứng - mãn kinh.

 

  • Suy giảm hormone: Khi đến với những năm cuối của ngưỡng tuổi 30-40, buồng trứng sẽ bắt đầu giảm sản xuất estrogen và progesterone - những hormone điều hòa kinh nguyệt. Điều này có nghĩa khả năng sinh sản của nữ giới bị giảm đi. Ở những năm 40 tuổi, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên dài hoặc ngắn hơn, nhiều hay ít hơn, thường xuyên hay thỉnh thoảng. Đến trung bình khoảng vào tuổi 51, buồng trứng sẽ dừng sản xuất trứng và không còn kinh nguyệt nữa.

 

  • Hóa trị ung thư, nhiễm độc: Những phương pháp này có thể gây ra suy buồng trứng - mãn kinh và mang đến triệu chứng như cơn nóng bừng trong suốt hoặc một khoảng thời gian ngắn sau quá trình điều trị.

 

  • Làm việc trong môi trường độc hại nhiễm hoá chất thuốc trừ sâu hoặc tia xạ, kim loại nặng, thuỷ ngân....

 

  • Thường xuyên căng thẳng: Căng thẳng sẽ làm ức chế miễn dịch gây ra trầm cảm và lo âu, ảnh hưởng tới buồng trứng, khả năng vận hành của buồng trứng. Từ đó, chúng góp phần gây nên tình trạng suy buồng sớm.

 

  • Hút thuốc lá và uống rượu bia: Thói quen này gây kích thích cơ quan nội tiết sản sinh nhiều hơn nội tiết tố nam và dần dần ức chế sản xuất nội tiết tố nữ. Chúng cũng tạo ra các gốc oxy hóa tồn dư gây suy buồng sớm.

Biểu hiện của suy buồng trứng sớm

 

Bác sĩ Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, cho hay dấu hiệu đầu tiên của suy buồng trứng thường khô âm đạo, cảm giác nóng rát. Sự suy giảm nội tiết tố sớm khiến âm đạo trở nên khô sớm hơn, gây cảm giác đau rát khi quan hệ, thậm chí chảy máu.

 

Ngoài ra, phụ nữ thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh, thưa kinh, mất kinh, máu kinh bất thường... Estrogen suy giảm không chỉ ảnh hưởng tới nội tiết trong cơ thể mà còn ảnh hưởng vùng dưới đồi, não bộ, từ đó gây bốc hỏa, đổ mồ hôi.

 

Phụ nữ tuổi mãn kinh thường bị suy giảm ham muốn nhưng nếu chưa đến tuổi này bạn mà đã thấy dấu hiệu thì có thể đang gặp tình trạng mãn kinh sớm.

 

Bên cạnh đó, bệnh lý này cũng gây các thay đổi như: Lo lắng, mệt mỏi, u sầu, chán nản, hồi hộp; thường xuyên gặp tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, khó ngủ...

 

"Hiện không có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có thể khôi phục chức năng bình thường cho buồng trứng của phụ nữ. Phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) IUI được lựa chọn để cứu vãn khả năng sinh sản thường được áp dụng. Trữ trứng sớm nếu chưa có gia đình cũng là một tư vấn thường quy nếu bạn quá trẻ mà đã suy buồng trứng", bác sĩ Du nói.

 

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh điều trị nội tiết là bắt buộc dù bạn có nhu cầu sinh sản hay không. Tuy nhiên, bạn phải được kê đơn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm. Nếu có nguyện vọng sinh con tự nhiên, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ xem quãng thời gian còn lại có thể chờ đợi là bao lâu trước khi can thiệp hỗ trợ sinh sản.

 

Theo zingnews.

 

Bình luận

TIN LIÊN QUAN

Tầm soát dị tật thai nhi và các phương pháp tầm soát phổ biến

29, Tháng 5, 2024 |

Admin

Tầm soát dị tật thai nhi và các phương pháp tầm soát phổ biến

Tầm soát dị tật thai nhi là một phần quan trọng của chăm sóc thai kỳ, nhằm phát hiện sớm các bất thường hoặc dị tật ở thai nhi. Quy trình này bao gồm nhiều xét nghiệm và siêu âm để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Dưới đây là một số phương pháp và thông tin liên quan.
Views Count 478
Comments Count
Đọc thêm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đối tác y khoa Diamond